Tiếng Việt: Quỹ tín thác đầu tư bất động sản
Tiếng Anh: Real estate investment trust
Quỹ tín thác đầu tư bất động sản là một công cụ của thị trường vốn được hình thành để huy động tiền nhàn rỗi từ các tổ chức, cá nhân gián tiếp đầu tư vào BĐS với mục đích đầu tư dài hạn. Nhà đầu tư khi mua chứng khoán của REIT có thể gián tiếp sở hữu một danh mục đầu tư BĐS mà không cần sở hữu một khối lượng vốn lớn.
Trên thế giới hiện tồn tại 3 loại REIT cơ bản dựa theo cấu trúc tài sản, sở hữu tài sản và hoạt động tạo doanh thu gồm:
- REIT cổ phần (Equity REIT): Sử dụng vốn huy động để đầu tư, sở hữu và quản lý BĐS, tạo lợi nhuận thông qua việc trực tiếp mua bán, cho thuê BĐS và các dịch vụ liên quan. Các REIT loại này thường thuê một công ty tư vấn, quản lý BĐS;
- REIT cho vay (Mortgage REIT): Dùng vốn huy động để cho vay, cung cấp tín dụng trực tiếp cho tổ chức điều hành và phát triển BĐS;
- REIT hỗ hợp (Hybrid REIT): Là sự kết hợp của 2 hình thức trên.
Với sự ra đời của REIT, nhu cầu huy động vốn trong xây dựng, kinh doanh BĐS không còn bị lệ thuộc vào nguồn tín dụng của các ngân hàng và các tổ chức tài chính. Đến năm 2008, thị trường REIT toàn cầu đã đạt giá trị 604 tỷ USD trong đó Mỹ đạt 294, 6 tỷ USD (chiếm 48,7%). Mỹ là quốc gia có số lượng REIT nhiều nhất là 148 (tính đến tháng 6/2008).
Tại Việt Nam, sự thiếu hụt các luồng huy động vốn ổn định dành cho xây dựng BĐS luôn là một nhân tố gây ra những biến động sai lệnh trong quan hệ cung cầu trên ra thị trường. Bên cạnh đó, sự tham gia của các nhà đầu tư (đặc biệt là nhà đầu tư nhỏ) còn bị hạn chế do đặc thù cần có nguồn vốn lớn, lâu bền. Tất cả những yếu tố đó dẫn đến việc hình thành REIT là một khách quan kinh tế đáp ứng nhu cầu của các chủ thể tham gia thị trường BĐS. Tuy nhiên, do thiếu một hành lang pháp lý cần thiết nên đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có một REIT chính thức nào được thành lập.