Nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược (SAGE) của WHO đã đưa ra khuyến nghị tạm thời về cách sử dụng vắc-xin Janssen Ad26.COV2.S COVID-19 trong phòng dịch.
Đối tượng nào cần được ưu tiên tiêm vắc-xin?
Nhân viên y tế có nguy cơ phơi nhiễm cao và người cao tuổi cần được ưu tiên tiêm vắc-xin.
Các đối tượng ưu tiên khác
Những người bị tăng huyết áp, bệnh phổi mạn tính, bệnh tim nặng, béo phì và đái tháo đường được xác định là nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị diễn biến nặng nếu nhiễm COVID-19. Nhóm đối tượng này được khuyến nghị nên tiêm phòng sớm nhất có thể.
Người nhiễm HIV nếu mắc COVID-19 có nguy cơ diễn biến nặng. Các cá nhân được xác định dương tính với HIV cần được cung cấp thông tin và tư vấn trước khi tiêm phòng.
Người từng mắc COVID-19 trước đây cũng có thể tiêm phòng. Tuy nhiên, thời gian tiêm chủng có thể lùi lại đến 6 tháng sau thời điểm nhiễm SARS-CoV-2 để nhường vắc-xin cho các nhóm đối tượng ưu tiên khác.
Phụ nữ cho con bú có thể tiêm vắc-xin này, đồng thời không cần ngừng cho con bú sau khi tiêm.
Phụ nữ đang mang thai có nên tiêm phòng?
Theo WHO, phụ nữ mang thai chỉ nên tiêm phòng COVID-19 nếu các lợi ích thu được vượt trội so với các nguy cơ tiềm tàng. Để hỗ trợ phụ nữ mang thai trong quá trình đánh giá và ra quyết định, các mẹ bầu cần được cung cấp thông tin về nguy cơ COVID-19 trong thai kỳ, lợi ích của việc tiêm chủng trong bối cảnh dịch tại địa phương và các thông tin liên quan khác. WHO không khuyến nghị thử thai trước khi tiêm phòng, trì hoãn hoặc đình chỉ thai kỳ để tiêm vắc-xin.
Những đối tượng không nên tiêm vắc-xin
Các cá nhân có tiền sử sốc phản vệ với bất kỳ thành phần nào của vắc-xin không nên tiêm phòng. Người có nhiệt độ cơ thể trên 38.5°C nên tạm hoãn tiêm phòng cho đến khi hết sốt. Không nên tiêm vắc-xin J&J cho người dưới 18 tuổi cho đến khi có thêm kết quả nghiên cứu mới.
Liều khuyến nghị
Theo khuyến nghị của SAGE, mỗi cá nhân nên tiêm một liều vắc-xin Janssen Ad26.CoV2.S (0,5 ml mỗi liều) theo đường tiêm bắp.
Nếu người đã tiêm 1 mũi J&J được tiêm thêm 1 liều vắc-xin phòng bệnh khác, khoảng cách tối thiểu giữa hai mũi tiêm này là 14 ngày. Khuyến nghị này có thể thay đổi khi có thêm dữ liệu về tiêm phòng kết hợp nhiều loại vắc-xin.
Hiệu quả của vắc-xin J&J so với các loại vắc-xin 2 liều đang được sử dụng
Nhìn chung, tất cả các loại vắc-xin được đưa vào Danh sách sử dụng khẩn cấp của WHO đều có hiệu quả cao trong ngăn ngừa COVID-19 diễn biến nặng và hạn chế nguy cơ nhập viện do COVID-19.
Vắc-xin J&J có an toàn không?
Sau khi đánh giá kỹ lưỡng về chất lượng, tính an toàn và hiệu lực của vắc-xin J&J, SAGE khuyến nghị sử dụng vắc-xin này cho những người từ 18 tuổi trở lên.
J&J cũng đã được đánh giá bởi Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA) và Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) và được chứng minh an toàn khi sử dụng.
Hiệu quả của vắc-xin như thế nào?
28 ngày sau tiêm, 85,4% người tiêm Janssen Ad26.CoV2.S không mắc COVID-19 diễn biến nặng và 93,1% không cần nhập viện. Trong thử nghiệm lâm sàng, một mũi tiêm J&J đạt hiệu quả bảo vệ 66,9% trước tình trạng nhiễm SARS-CoV-2 có triệu chứng, mức độ nặng và vừa.
J&J có hiệu quả trước các biến chủng mới không?
Trong các thử nghiệm lâm sàng, vắc-xin J&J đã được chứng minh có hiệu quả với các biến chủng của vi-rút SARS-CoV-2, bao gồm biến chủng B1.351 (phát hiện lần đầu tại Nam Phi) và P.2 (phát hiện lần đầu tại Brazil). SAGE khuyến nghị nên sử dụng loại vắc-xin này.
J&J có ngăn ngừa lây nhiễm không?
Hiện tại không có dữ liệu đáng tin cậy chứng minh tác động của vắc-xin J&J đối với sự lây truyền hoặc phát tán vi-rút.
Cập nhật: Tính đến ngày 25/06/2021, vắc-xin Janssen vẫn được công nhận là an toàn và hiệu quả trong việc bảo vệ khỏi các nguy cơ cực kỳ nghiêm trọng của COVID-19, bao gồm tử vong, nhập viện và bệnh diễn biến nặng. Tuyên bố ngày 19/05 của Ủy ban cố vấn toàn cầu về an toàn vắc xin của WHO liên quan đến việc sử dụng Janssen (Ad26.COV2.S) cũng chỉ ra rằng tác dụng phụ là rất hiếm gặp. Hội đồng các tổ chức y khoa quốc tế phân loại tỷ lệ biến cố bất lợi của thuốc và vắc-xin như sau:
- Rất hay gặp >1/10
- Thường gặp (thường xuyên) >1/100 và <1/10
- Không thường gặp (không thường xuyên) >1/1000 và <1/100
- Hiếm gặp >1/10000 và <1/1000
- Rất hiếm gặp <1/10000
(Theo WHO)