Đông Á là một vùng đất nằm ở phía đông của Châu Á, gồm 8 quốc gia và vùng lãnh thổ. Quốc gia lớn nhất và có nền văn minh lâu đời nhất tại Đông Á là Trung Quốc và chữ viết Trung Quốc có thể xem là cái nôi của các loại chữ viết vùng Đông Á.
Các hệ chữ viết đang được sử dụng trên toàn cầu
Hệ chữ viết (writing system) được định nghĩa là phương pháp lưu thông tin và chuyển giao tin nhắn được chuẩn hóa trong một ngôn ngữ bằng cách mã hóa và giải mã theo cách trực quan.
Ngày nay trên thế giới ghi nhận đang tồn tại 18 hệ chữ viết khác nhau dựa trên 4 kiểu chữ đặc trưng:
- Kiểu bảng chữ cái (Latin, Việt nam, …);
- Kiểu tượng hình, tượng thanh (Chữ hán, chữ Kana, …) ;
- Abjad (Ả rập, Hebrew, …); và
- Abugida (Ấn độ, Thái Lan, …).
Chữ viết là một nét văn hóa của từng dân tộc và có sự liên quan với nhau trong tiến trình lịch sử giao lưu, xâm chiếm thuộc địa. Ngày nay, hệ chữ Latin được sử dụng nhiều nhất trên toàn cầu vì tính khoa học và dễ nhớ.
Chữ viết Tượng hình, tượng thanh – Nét văn hóa Á Đông
Chúng ta có thể bắt đầu với giả thiết rằng ký tự tiếng Trung Quốc (chữ Hán) là dạng thức chữ viết đầu tiên được biết đến ở Đông Á. Trên thực tế những đoạn văn bản đầu tiên được tạo ra ở Việt Nam, Nhật Bản và Hàn Quốc thường được viết bằng chữ Hán. Tên địa danh của địa phương và tên người thường được viết theo cách phát âm của ký tự tiếng Trung Quốc, và quy tắc này được áp dụng rộng rãi hơn khi chữ Hán được dùng làm chữ viết của ngôn ngữ bản địa.
Ngày nay, các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên đều đã phát triển cho mình những hệ chữ viết riêng như Hangul của Triều tiên, Hàn Quốc hay Kana của Nhật Bản tuy nhiên các hệ chữ viết của các quốc gia này vẫn có nét gì đó rất Trung Quốc mà đặc trưng là các hình vuông lý tưởng.
Tại sao các nước Đông Á vẫn cần phải phát minh ra hệ thống chữ viết bản địa?
Một lý giải khả quan nhất chính là cái tôi của các vương triều tại Đông Á. Các vị vua tại Đông Á ngày một nhận thấy cần phải có nét văn hóa đặc trưng cho quốc gia mình nên họ đã nghiên cứu tạo ra các hệ chữ viết riêng.
Mặc dù hoàn cảnh mà các hệ thống chữ cái tiếng Đông Á khác nhau được phát minh hay phát triển là khác nhau, những hệ thống này đều có chung một điểm. Chúng đều có gì đó liên quan đến ký tự tiếng Trung Quốc, hay ít nhất là hình dạng “hình vuông lý tưởng”. Điều này được thể hiện rất rõ ràng ở các ký tự được phát minh dưới thời Đảng Hạng hay tại Việt Nam; còn tại Nhật Bản, hai bảng chữ cái kana đại diện cho cách viết giản lược hay hình thức chữ thảo của ký tự tiếng Trung Quốc. Cách lý giải tốt nhất cho việc có quá nhiều hệ thống chữ viết là của Elena Berlanda, người cho rằng sự đa dạng này là do “sự phân chia”, khát vọng trở nên khác biệt.
Đối với người Đảng Hạng, vốn có xung đột với Trung Quốc, việc phát minh ra chữ viết của riêng họ là hành động chính trị, khẳng định sự độc lập với cường quốc thống trị trong khu vực. Ở các khu vực khác, hệ thống chữ viết riêng cho tiếng bản địa trở nên mạnh mẽ hơn bằng cách cho chúng được hưởng một phần thanh thế khi có chữ viết mà đến thời điểm đó chỉ tiếng Trung Quốc mới có. Vì thế, trên thực tế, sự phong phú của hệ thống chữ cái ở Đông Á phản ánh những gì mà Hốt Tất Liệt đã nói vào thế kỷ XIII khi ông khuyến khích việc tạo ra một hệ thống chữ cái cho Đế chế Mông Cổ: “Mọi quốc gia đều có chữ viết của riêng mình.”
Điều này chắc chắn đúng với Đông Á ngày nay, nhưng trước thế kỷ XX, mặc dù mỗi quốc gia đều có chữ viết riêng cho tiếng bản địa, nhưng trong thời kỳ đó, chữ viết tiếng Trung Quốc vẫn giữ được thanh thế của mình và đối với phần lớn các văn bản mang tính trí tuệ về y học, triết học và Phật giáo, tiếng Trung Quốc vẫn tiếp tục được sử dụng. Tiếng Trung Quốc có được lợi thế của một thứ ngôn ngữ văn chương chung, nhưng khi tiếng bản địa được sử dụng phổ biến vào thế kỷ XX, Đông Á đã không còn ngôn ngữ chung này nữa. Đây là cái giá phải trả khi các ngôn ngữ bản địa lên ngôi.