Thói quen mua bán của chúng ta đã thay đổi như thế nào? Chỉ trong vòng mười năm, các doanh nghiệp thương mại điện tử đã thay đổi cách thức chúng ta mua hàng với sự phổ biến ngày càng rộng rãi của các sàn mua bán trực tuyến.
Ngày nay, cơ hội biến ý tưởng thành hiện thực trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Chúng ta chứng kiến ngày một nhiều doanh nghiệp phá bỏ cách làm truyền thống, tạo nên những giá trị mới có ích cho xã hội.
Dù có khác biệt trong một số yếu tố, song các nguyên tắc cốt lõi vẫn không đổi – để đổi mới và vượt lên trong cuộc chơi thương mại điện tử đang bùng nổ, bạn cần xác định mô hình kinh doanh của mình và tìm hiểu đường hướng đổi mới riêng.
Bài viết này sẽ giúp tạo nền tảng để bạn đi xa hơn thông qua việc giới thiệu bốn hình thức thương mại điện tử truyền thống phổ biến nhất. Mỗi loại hình đều mang lại những lợi thế và thách thức riêng, trong nhiều trường hợp, một công ty có thể hoạt động đồng thời theo nhiều hơn một loại hình.
1. B2C – Doanh nghiệp với Người tiêu dùng trong thương mại điện tử
Doanh nghiệp B2C là doanh nghiệp bán sản phẩm trực tiếp cho người dùng cuối. Mô hình B2C là mô hình kinh doanh phổ biến nhất, do đó có nhiều phương pháp kinh doanh độc đáo phát triển theo mô hình này. Bất cứ sản phẩm nào mua trong cửa hàng trực tuyến với tư cách là người tiêu dùng, như tủ quần áo, đồ dùng gia đình hoặc sản phẩm giải trí đều nằm trong phạm vi giao dịch B2C. Quá trình ra quyết định trong giao dịch mua B2C ngắn hơn nhiều so với mua hàng giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp (B2B), đặc biệt là đối với các mặt hàng có giá trị thấp. Chẳng hạn, việc quyết định mua đôi giày mới dễ dàng hơn nhiều so với việc quyết định mua một doanh nghiệp khác để sáp nhập với công ty của bạn. Do chu kỳ bán hàng ngắn hơn, các doanh nghiệp B2C thường chi ít tiền tiếp thị hơn cho việc bán hàng, nhưng giá trị đơn hàng trung bình cũng thấp hơn và ít đơn đặt hàng định kỳ hơn so với các đối tác B2B.
Trong loại hình B2C không chỉ bao gồm sản phẩm mà còn cả dịch vụ. Các doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực B2C đã tận dụng công nghệ ứng dụng dành cho thiết bị di động, các phương pháp như quảng cáo tự nhiên và tiếp thị lại để quảng bá trực tiếp sản phẩm đến khách hàng và tạo thuận lợi cho quá trình mua sắm.
Ví dụ: sử dụng một ứng dụng Grab Food cho phép người dùng dễ dàng liên hệ với doanh nghiệp cung cấp đồ ăn, gọi cho tài xế giao hàng và tự đăng tải mặt hàng muốn bán.
2. B2B – Doanh nghiệp với Doanh nghiệp trong thương mại điện tử
Trong mô hình kinh doanh B2B, một doanh nghiệp bán sản phẩm hoặc dịch vụ đang kinh doanh cho một doanh nghiệp khác. Đôi khi người mua là người dùng cuối, nhưng thường thì doanh nghiệp mua sẽ bán lại cho người tiêu dùng. Các giao dịch B2B thường có chu kỳ bán hàng dài hơn, nhưng giá trị đơn hàng sẽ cao hơn và có nhiều giao dịch mua hàng định kỳ hơn. Các doanh nghiệp B2B đang trong quá trình đổi mới gần đây đã tạo được chỗ đứng cho mình bằng việc thay thế các danh mục và tờ đặt hàng bằng các cửa hàng trên sàn thương mại điện tử và cải thiện phạm vi mục tiêu khách hàng trong thị trường ngách. Vào năm 2020, gần một nửa số người mua B2B là thế hệ trẻ – gần gấp đôi so với năm 2012. Khi các thế hệ trẻ bước vào tuổi thực hiện các giao dịch kinh doanh, việc bán hàng B2B trên không gian trực tuyến ngày càng trở nên quan trọng.
3. C2B – Người tiêu dùng với Doanh nghiệp trong thương mại điện tử
Các doanh nghiệp C2B cho phép các cá nhân bán hàng hóa và dịch vụ cho các công ty. Trong mô hình thương mại điện tử này, một trang web có thể cho phép khách hàng đăng công việc họ muốn hoàn thành và yêu cầu các doanh nghiệp đặt giá. Các dịch vụ tiếp thị liên kết cũng sẽ được coi là C2B. Lợi thế cạnh tranh của mô hình thương mại điện tử C2B là tính năng tự định giá cho hàng hóa và dịch vụ. Cách tiếp cận này cho người tiêu dùng quyền tự xác định giá của mặt hàng hoặc dịch vụ muốn trao đổi hoặc để các doanh nghiệp trực tiếp cạnh tranh đáp ứng nhu cầu của họ. Một số các doanh nghiệp năng động gần đây đã sử dụng một cách sáng tạo mô hình này để kết nối các công ty với những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội cho hoạt động quảng bá sản phẩm.
4. C2C – Người tiêu dùng với Người tiêu dùng trong thương mại điện tử
Doanh nghiệp C2C, còn được gọi là thị trường trực tuyến, kết nối người tiêu dùng để trao đổi hàng hóa và dịch vụ và thường kiếm tiền bằng cách tính phí giao dịch hoặc phí niêm yết. Các doanh nghiệp trực tuyến như eBay và Craigslist của Mỹ đã đi tiên phong trong mô hình này trong những ngày Internet mới phát triển. Các doanh nghiệp C2C được hưởng lợi từ việc thúc đẩy người mua và người bán tự phát triển, song họ phải đối mặt với thách thức chính là kiểm soát chất lượng và bảo trì công nghệ.