Trong dịch thuật y tế, sự chính xác là tiêu chí tối quan trọng, khi mà chỉ một sai lầm nhỏ cũng có thể phải trả giá bằng sinh mạng của hàng ngàn bệnh nhân. Bài viết này sẽ giới thiệu một số ví dụ về lỗi dịch sai “kinh điển” giúp độc giả hiểu được tầm quan trọng của một biên, phiên dịch viên chuyên ngành có kỹ năng tốt và được đào tạo bài bản.
1. Intoxicado và Intoxicated – thuật ngữ trị giá 71 triệu USD.
Đây có lẽ một trong những sai lầm “đắt giá” nhất trong lịch sử dịch thuật y khoa. Chuyện xảy ra khi Willie Ramirez chỉ mới 18 tuổi, trong một lần chàng trai ra ngoài tụ tập với bạn bè. Ramirez đột nhiên lên cơn đau đầu dữ dội và gần như bất tỉnh. Anh được đưa ngay đến bệnh viện để cấp cứu. Tỉnh lại sau thời gian hôn mê, Ramirez nhận tin mình sẽ không bao giờ đi lại được nữa. Một cơn xuất huyết não đã khiến tứ chi của anh tê liệt suốt phần đời còn lại.
Chuyện đáng lẽ đã không diễn ra theo chiều hướng đó. Tình trạng xuất huyết mà Ramirez gặp phải hoàn toàn trong khả năng điều trị của bác sĩ. Đáng tiếc, gia đình anh đã không có sự hỗ trợ của một phiên dịch viên tiếng Tây Ban Nha. Chính vì thế, khi người nhà Ramirez nói với các bác sĩ tại phòng cấp cứu rằng họ tin Willie bị intoxicado, anh lại được điều trị theo hướng intoxicated, tức dùng ma túy quá liều.
Intoxicated nghĩa là say rượu, ngộ độc, và trong trường hợp này, bác sĩ cấp cứu đã hiểu rằng Ramirez bị ngộ độc do dùng quá nhiều chất kích thích. Tuy nhiên, trong cộng đồng người Cuba, intoxicado lại mang nghĩa gặp vấn đề sức khỏe do ăn hay uống một thứ gì đó.
Các bác sĩ chỉ phát hiện ra tình trạng xuất huyết sau nhiều ngày điều trị sai hướng. Và khi đó, tất cả đã là quá muộn. Phía bệnh viện phải chịu trách nhiệm và bồi thường khoảng 71 triệu USD chi phí chăm sóc cho Ramirez trong suốt phần đời còn lại của anh, do đã không chỉ định phiên dịch viên chuyên nghiệp hỗ trợ người bệnh và các bác sĩ trong quá trình thăm khám.
2. Teresa Tarry và hai ca phẫu thuật cắt bỏ vú thừa thãi.
Bà nội trợ người Anh Teresa Tarry đã mất hoàn toàn bầu ngực sau hai ca phẫu thuật vú tại Tây Ban Nha vào năm 2007. Điều đáng nói là cả hai ca phẫu thuật này đều không cần thiết, và cục bướu trong ngực bà thậm chí còn không phải u ác tính theo chẩn đoán của bệnh viện này. Tất cả đều xuất phát từ một sai lầm khi dịch bệnh án.
Theo tờ Daily Mail, Teresa cho biết các bác sĩ tin rằng cả mẹ và chị gái của Teresa đều mắc ung thư vú do một lỗi dịch thuật trong hồ sơ bệnh án của bà. Và bà đã gặp rất nhiều khó khăn khi trao đổi với các bác sĩ. Trên thực tế, gia đình Teresa không hề có tiền sử ung thư vú, do đó việc cắt bỏ bầu ngực của bà là hoàn toàn không cần thiết.
Sau khi mất việc và sống trong “địa ngục trần gian” suốt 8 năm trời, vào năm 2015, bà quyết định khởi kiện bệnh viện để đòi khoản tiền bồi thường lên đến 600.000 euro.
3. Sai lầm dịch thuật dẫn đến 47 ca phẫu thuật thất bại.
Không phải cứ chết người mới là gây hậu quả nghiêm trọng. Tại Đức, trong giai đoạn từ năm 2006 – 2007, một lỗi dịch thuật đã dẫn đến 47 ca phẫu thuật thay khớp gối thất bại. Tạp chí dịch thuật chuyên ngành Journal of Specialised Translation mô tả vụ việc này như sau:
Khớp gối nhân tạo sử dụng trong những ca phẫu thuật đó có hai loại – loại gắn kết bằng xi măng và loại không dùng xi măng. Văn bản nguồn trên nhãn sản phẩm ghi rằng thành phần xương đùi được gắn kết bằng xi măng (non-modular cemented), nhưng lại bị dịch sai thành không dùng xi măng (non-cemented / without cement).
Phẫu thuật thay khớp gối là thủ thuật gây nhiều đau đớn và phải mất nhiều tháng mới có thể hồi phục. Chỉ trong vòng một năm, 47 người đã hai lần phải trải qua những ngày gian khổ ấy, chỉ vì sự bất cẩn của một người.
4. Vụ kiện giữa George và Biggs – Bệnh nhân cần hiểu đúng thông tin trên phiếu đồng ý phẫu thuật.
Năm 2015, Sandra George, một cụ bà người Macedonia với vốn tiếng Anh hạn chế, đến bệnh viện để điều trị cục u ở dây thần kinh tiền đình. Trong lần khám đầu tiên, bà nhờ một người bạn phiên dịch giúp thay vì thuê phiên dịch viên chuyên nghiệp. Khi rời bệnh viện, bà đinh ninh rằng khối u của mình là ác tính. Nhưng thực tế không phải vậy. Và trong những lần khám sau, dù đã được hỗ trợ bởi những phiên dịch viên tiếng Macedonia chuyên nghiệp, bà vẫn tin rằng mình mắc ung thư ác tính.
Bác sĩ Biggs, một trong các bác sĩ phụ trách ca mổ của bà George, đã vô tình làm đứt dây thần kinh mặt của bà trong quá trình phẫu thuật, khiến bà bị liệt một bên mặt. Cứ thử tưởng tượng sự khó chịu của bà khi biết được khối u thậm chí còn chẳng phải u ác tính xem!
Vụ việc này cho thấy tầm quan trọng của phiên dịch viên chuyên nghiệp xuyên suốt quá trình thăm khám. Đôi khi, hiểu lầm rất dễ xảy ra, nhưng để đính chính thì khó vô cùng. Tốt nhất là nên làm đúng ngay từ đầu.
5. Francisco Torres và quả thận bị cắt “oan”.
Năm 2010, Trung tâm y tế thuộc Bệnh viện cộng đồng Riverside Parkview tại California tiến hành ca phẫu thuật cho một bệnh nhân nói tiếng Tây Ban Nha tên Francisco Torres. Mục đích của ca phẫu thuật là cắt bỏ quả thận hỏng cho anh này.
Theo hướng dẫn của nhân viên bệnh viện, Torres đặt bút ký vào phiếu cam đoan chấp nhận phẫu thuật có thông tin về quả thận cần cắt. Phiếu này được viết bằng tiếng Anh. Do không có bản sao bằng tiếng Tây Ban Nha cũng như phiên dịch viên, Torres chẳng thể nào biết được quả thận sẽ bị cắt lại là quả thận lành. Sau khi nhận ra sai lầm, bệnh viện đã tiến hành cắt nốt quả thận hỏng. Vậy là Torres không còn quả thận nào.
Theo NBC, Sở Y tế dẫn lời bệnh viện như sau: “do các sai sót trong quá trình chuẩn bị cho ca phẫu thuật, bao gồm không tuân thủ quy tắc an toàn và không trao đổi thông tin chính xác với bệnh nhân nói tiếng Tây Ban Nha.”
6. Bi kịch nhà họ Trần.
Bệnh nhân trong ví dụ này, một cô bé chỉ mới 9 tuổi, đã được yêu cầu phiên dịch cho chính mình cho đến khi ngất xỉu do phản ứng với một trong các loại thuốc đang dùng. Lúc này, người anh trai 16 tuổi thay cô bé dịch tiếp cho bố mẹ, những người chỉ nói được tiếng Việt. Khi bác sĩ hiểu được chuyện gì đang xảy ra, cô bé đã qua đời.
Nhìn chung, việc nhờ người thân hay bạn bè phiên dịch cho bệnh nhân chưa bao giờ là ý hay. Và trông cậy vào một đứa trẻ đang cần trợ giúp y tế dịch lại thông tin cha mẹ chúng cần để ra quyết định về phương án điều trị cho chúng thì còn tệ hơn.
Cần nói thêm, khi cô bé lần đầu xuất viện, với đơn thuốc gồm loại thuốc sẽ khiến cô tử vong, các hướng dẫn xuất viện đã không được dịch sang tiếng Việt.
Gia đình bệnh nhân sau đó khởi kiện và được bồi thường 200.000 USD. Một chuyên gia y tế ra làm chứng trước tòa cho biết: “Việc giao tiếp và trao đổi thông tin mà không có sự hỗ trợ của phiên dịch viên y tế chuyên nghiệp là không đáp ứng các tiêu chuẩn áp dụng cho bác sĩ và cơ sở y tế. Hậu quả là bệnh nhân không được điều trị đúng cách. Cha mẹ bệnh nhân không hiểu và không đáp ứng chính xác được nhu cầu của con gái. Theo tôi, việc bác sĩ và cơ sở y tế không sử dụng phiên dịch viên y tế chuyên nghiệp là yếu tố quan trọng gây tử vong.”
7. Vụ việc của Lin – Khi phiên dịch là bệnh nhân vị thành niên.
Lin, bệnh nhân nữ 17 tuổi gốc Đài Loan đang sinh sống tại California, bị áp xe não sau khi bị vợt tennis đập vào đầu. Trong phòng cấp cứu, cô cố gắng phiên dịch cho cha mẹ mình cho đến khi ngừng hô hấp.
Theo Pacific Interpreters: “Cô con gái vị thành niên không chỉ phiên dịch cho cha mẹ, mà còn phải phiên dịch những thuật ngữ y tế phức tạp, và những tình trạng đe dọa đến tính mạng cô đang nhắc đến đều là những tình trạng cô đang mắc phải.”
Cô tử vong do không được điều trị áp xe kịp thời. Không thể khẳng định liệu tăng hiệu quả trao đổi thông tin có giúp tăng hiệu quả điều trị. Nhưng khó mà tưởng tượng được quá trình giao tiếp giữa bác sĩ, bệnh nhân và thân nhân đã diễn ra trơn tru.
Kết luận
Các dịch vụ biên, phiên dịch y tế chuyên nghiệp giúp cứu sống bệnh nhân và cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe. Kiểm soát chi phí y tế là yếu tố quan trọng, nhưng sinh mạng con người không phải thứ có thể cân đo đong đếm.
(bài dịch tham khảo)