Cập nhật ngày 25/06/2021
Nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược (SAGE) của WHO đã đưa ra khuyến nghị tạm thời về cách sử dụng vắc-xin Pfizer BioNTech (BNT162b2) trong phòng dịch COVID-19.
Theo SAGE, Pfizer-BioNTech COVID-19 mRNA là vắc-xin an toàn và hiệu quả. Ưu tiên hàng đầu hiện nay là tiêm phòng cho đội ngũ nhân viên y tế có nguy cơ phơi nhiễm cao, sau đó đến người cao tuổi, trước khi triển khai tiêm chủng cho phần còn lại của dân số.
Đối tượng nào cần được ưu tiên tiêm vắc-xin?
Nhân viên y tế có nguy cơ phơi nhiễm cao và người từ 65 tuổi trở lên cần được ưu tiên tiêm vắc-xin.
Các đối tượng ưu tiên khác
Những người bị tăng huyết áp, tiểu đường, hen suyễn, bệnh phổi, gan hoặc thận, cũng như bị nhiễm trùng mạn tính được xác định là nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị diễn biến nặng nếu nhiễm COVID-19. Nhóm đối tượng này được khuyến nghị nên tiêm phòng sớm nhất có thể.
Những người bị suy giảm miễn dịch cũng thuộc nhóm đối tượng ưu tiên. Tuy vẫn cần tiến hành thêm những nghiên cứu khác để có kết luận cụ thể và chính xác hơn, nhưng về cơ bản, người bị suy giảm miễn dịch có thể được tiêm phòng COVID-19 sau khi được cung cấp thông tin và tư vấn.
Người nhiễm HIV nếu mắc COVID-19 có nguy cơ diễn biến nặng. Các cá nhân được xác định dương tính với HIV cần được cung cấp thông tin và tư vấn trước khi tiêm phòng.
Người từng mắc COVID-19 trước đây cũng có thể tiêm phòng. Tuy nhiên, thời gian tiêm chủng có thể cần được lùi lại đến 6 tháng sau thời điểm nhiễm SARS-CoV-2.
Hiệu quả của vắc-xin trên phụ nữ cho con bú dự kiến tương tự như trên các đối tượng là người trưởng thành khác. WHO khuyến cáo phụ nữ đang cho con bú cũng nên tiêm phòng COVID-19 như người bình thường và không cần ngừng cho con bú sau khi tiêm.
Phụ nữ đang mang thai có nên tiêm phòng?
Theo WHO, phụ nữ mang thai nên tiêm phòng COVID-19 nếu các lợi ích thu được vượt trội so với các nguy cơ tiềm tàng. Để hỗ trợ phụ nữ mang thai trong quá trình đánh giá và ra quyết định, các mẹ bầu cần được cung cấp thông tin về nguy cơ COVID-19 trong thai kỳ, lợi ích của việc tiêm chủng trong bối cảnh dịch tại địa phương và các thông tin liên quan khác. WHO không khuyến nghị thử thai trước khi tiêm phòng, trì hoãn hoặc đình chỉ thai kỳ để tiêm vắc-xin.
Những đối tượng không nên tiêm vắc-xin
Các cá nhân có tiền sử phản ứng dị ứng nặng với bất kỳ thành phần nào của vắc-xin không nên tiêm phòng.
Hiện nay chưa có dữ liệu về hiệu lực và tính an toàn của vắc-xin đối với trẻ em dưới 12 tuổi. Cho đến khi những dữ liệu này được thu thập và phân tích, không nên tiêm phòng COVID-19 cho trẻ dưới 12 tuổi bằng vắc-xin Pfizer.
Trẻ vị thành niên có nên tiêm phòng bằng vắc-xin Pfizer?
Thử nghiệm Giai đoạn 3 ở trẻ em từ 12-15 tuổi cho thấy vắc-xin Pfizer có hiệu lực và mức độ an toàn cao ở nhóm tuổi này. Kết quả này giúp các quốc gia thêm tự tin trong việc áp dụng vắc-xin Pfizer cho các đối tượng từ 12 tuổi trở lên.
Các bằng chứng chỉ ra rằng trẻ vị thành niên, đặc biệt là các trẻ lớn, có khả năng lây truyền vi-rút SARS-CoV-2 như ở người trưởng thành. WHO khuyến nghị các quốc gia chỉ nên cân nhắc áp dụng vắc-xin cho trẻ từ 12-15 tuổi sau khi đạt tỷ lệ bao phủ vắc-xin 2 mũi cao ở các nhóm đối tượng ưu tiên.
Trẻ từ 12-15 tuổi có bệnh nền có nguy cơ cao bị diễn biến nặng nếu mắc COVID-19, cùng các nhóm nguy cơ cao khác, có thể được tiêm phòng.
Liều khuyến nghị
Theo khuyến nghị của WHO, vắc-xin Pfizer bắt đầu phát huy tác dụng bảo vệ sau 12 ngày kể từ thời điểm tiêm mũi một, nhưng hiệu quả bảo vệ toàn diện chỉ phát huy sau khi tiêm đủ 2 mũi, khoảng cách giữa 2 mũi từ 21-28 ngày.
Vắc-xin Pfizer BioNTech có an toàn không?
WHO đưa vắc-xin Pfizer BioNTech vào danh sách sử dụng khẩn cấp vào ngày 31/12/2020 và khuyến nghị sử dụng vắc-xin cho người trên 16 tuổi sau khi đánh giá chi tiết về chất lượng, tính an toàn và hiệu lực của loại vắc-xin này.
Hiệu quả của vắc-xin như thế nào?
Vắc-xin Pfizer BioNTech có hiệu quả bảo vệ 95% chống lại COVID-19.
Pfizer BioNTech có hiệu quả trước các biến chủng mới không?
Dựa trên các dữ liệu hiện có về hiệu quả của vắc-xin thu được qua các thử nghiệm, SAGE đã đưa ra kết luận rằng vắc-xin Pfizer BioNTech có hiệu quả ngăn ngừa các biến chủng của vi-rút.
Pfizer BioNTech có ngăn ngừa lây nhiễm không?
Hiện tại không có dữ liệu đáng tin cậy chứng minh tác động của vắc-xin Pfizer BioNTech đối với sự lây truyền hoặc phát tán vi-rút.
(Theo WHO) – Xem bản gốc tại đây