Bạn có thể nói được hai thứ ngôn ngữ, nhưng không có nghĩa bạn biết cách dịch giữa hai ngôn ngữ đó. Dịch thuật là một kỹ năng đặc biệt và cần đến nhiều công sức để phát triển. Trong cuốn sách Found in Translation, hai dịch giả chuyên nghiệp Nataly Kelly và Jost Zetzsche mang đến một góc nhìn đầy sinh động về thế giới dịch thuật, với những câu chuyện hấp dẫn về mọi ngóc ngách của lĩnh vực này, từ những biên dịch viên tình nguyện dịch tin nhắn trong nỗ lực cứu trợ động đất ở Haiti, đến những thách thức dịch thuật tại Olympic và World Cup, cho đến tình bạn thân thiết giữa các ngôi sao như Yao Ming và Marlee Matlin với người phiên dịch của họ.
Tầm quan trọng của công việc dịch thuật có lẽ được thể hiện rõ ràng nhất khi những sai lầm xảy ra. Dưới đây là 9 ví dụ từ cuốn sách cho thấy mức độ rủi ro trong công việc của mỗi biên – phiên dịch viên có thể cao đến nhường nào.
1. Một từ trị giá 71 triệu đô la
Năm 1980, Willie Ramirez, khi đó 18 tuổi, được đưa đến một bệnh viện ở Florida trong tình trạng hôn mê. Bạn bè và gia đình đã cố gắng mô tả tình trạng của anh cho các nhân viên y tế và bác sĩ điều trị, nhưng họ chỉ có thể nói tiếng Tây Ban Nha. Một nhân viên bệnh viện biết tiếng Tây Ban Nha đã dịch lời của họ và dịch từ “intoxicado” thành “intoxicated”. Một phiên dịch viên chuyên nghiệp sẽ biết rằng “intoxicado” có nghĩa gần với “poisoned”(bị nhiễm độc) và không mang hàm ý về việc sử dụng ma túy hoặc rượu như từ “intoxicated” (bị say). Gia đình của Ramirez tin rằng anh đã bị ngộ độc thực phẩm. Trên thực tế, Ramirez đã bị xuất huyết não, nhưng các bác sĩ đã tiến hành chữa trị khi cho rằng anh bị quá liều do dùng chất kích thích, vốn là một tình trạng cũng có thể dẫn đến một số triệu chứng mà Ramirez đang gặp phải. Do sự chậm trễ trong điều trị, Ramirez đã bị liệt tứ chi. Cuối cùng, anh đã nhận được một khoản đền bù trị giá 71 triệu đô la cho sơ suất đáng tiếc này.
2. Ham muốn cho tương lai
Khi Tổng thống Jimmy Carter đến thăm Ba Lan vào năm 1977, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã thuê một phiên dịch viên người Nga biết tiếng Ba Lan nhưng không thực sự quen với việc phiên dịch chuyên nghiệp bằng ngôn ngữ đó. Kết cục là, thông qua phiên dịch viên, Carter đã có những phát ngôn kỳ lạ bằng tiếng Ba Lan như “khi tôi từ bỏ Hoa Kỳ” (thay vì “khi tôi rời Hoa Kỳ”) và “ham muốn của quý vị cho tương lai” (thay vì “mong muốn của quý vị cho tương lai”). Và đó là những sai lầm mà giới truyền thông ở cả hai quốc gia đều đã rất thích thú.
3. Chúng ta sẽ chôn Hoa Kỳ
Ở đỉnh điểm của cuộc chiến tranh lạnh, Thủ tướng Liên Xô Nikita Khrushchev đã có một bài phát biểu trong đó ông sử dụng một cụm từ được phiên dịch từ tiếng Nga là “Chúng ta sẽ chôn Hoa Kỳ”. Lời nói này được coi là một lời đe dọa ớn lạnh, ám chỉ việc chôn vùi Hoa Kỳ bằng một cuộc tấn công hạt nhân và do đó leo thang sự căng thẳng giữa Nga và Hoa Kỳ. Tuy nhiên, lời dịch này lại quá nguyên văn. Đúng ra, cụm từ tiếng Nga có ý nghĩa “chúng ta sẽ sống để chứng kiến các người bị chôn vùi” hoặc “chúng ta sẽ tồn tại khi các người bị diệt vong”. Mặc dù lời dịch gốc không hẳn là một phát biểu quá thân thiện, nhưng nó cũng không thực sự lột tả được sự đe dọa trong tuyên ngôn của Khrushchev.
4. Đừng làm gì cả
Năm 2009, ngân hàng HSBC đã phải khởi động một chiến dịch trị giá 10 triệu đô la để thiết kế lại thương hiệu của mình và sửa chữa thiệt hại khi thông điệp của ngân hàng là “Assume Nothing” (Đừng dự đoán khi chưa kiểm chứng) đã bị dịch sai thành “Do Nothing” (Đừng làm gì cả) ở nhiều quốc gia.
5. Sai lầm làm khuynh đảo thị trường
Sau khi một bài báo viết bởi tác giả Guan Xiangdong của trang China News Service được dịch sang một bản dịch tiếng Anh và lan truyền trên Internet, thị trường ngoại hối thế giới đã chứng kiến một sự khủng hoảng nghiêm trọng, khiến đồng đô la Mỹ sụt giảm giá trị. Bài báo gốc chỉ là một bài viết mang tính tổng quan thông thường, đưa ra suy đoán và dự báo từ một số báo cáo tài chính. Tuy nhiên, bản dịch tiếng Anh lại thể hiện một giọng điệu khẳng định và chắc chắn hơn, từ đó dẫn đến hậu quả tai hại là làm biến động thị trường.
6. Chiếc sừng trên đầu Moses
Thánh Jerome, vị thánh bảo trợ của các dịch giả, đã học tiếng Hebrew để ông có thể dịch kinh Cựu Ước từ bản gốc sang tiếng Latinh, thay vì từ bản tiếng Hy Lạp trong thế kỷ thứ ba đã được nhiều người sử dụng. Tuy nhiên, bản dịch Latinh cuối cùng, vốn đã trở thành cơ sở cho hàng trăm bản dịch sau này, lại có một sai sót nổi tiếng. Khi Moses đi xuống từ núi Sinai, trên đầu của ông có một “vầng quang” (“radiance”) hay trong tiếng Hebrew là “karan”. Nhưng vì tiếng Hebrew trong văn viết không có nguyên âm, nên Thánh Jerome đã đọc “karan” thành “keren”, một từ có nghĩa là “có sừng” (“horned”). Chính từ lỗi dịch thuật này mà hàng thế kỷ sau, Moses đều xuất hiện với một cặp sừng trong các bức họa và tác phẩm điêu khắc, và cũng từ đó xuất hiện khuôn mẫu kỳ lạ và mang tính xúc phạm về những người Do Thái mọc sừng.
7. Sôcôla cho anh ấy
Vào những năm 50, khi các công ty sôcôla bắt đầu khuyến khích người dân mừng Ngày Lễ tình nhân tại Nhật Bản, một lỗi dịch thuật của một công ty đã khiến mọi người tin rằng phụ nữ phải là người tặng sôcôla cho nam giới trong ngày lễ này. Và điều này vẫn được duy trì cho đến tận ngày nay. Vào ngày 14 tháng 2, phụ nữ Nhật Bản dành tặng người đàn ông của mình những viên kẹo mềm và trái tim bằng sôcôla, và những người đàn ông sẽ đáp lại tình cảm của họ vào ngày 14 tháng 3. Vậy có lẽ sai sót ban đầu cũng không quá tai hại, khi các công ty sản xuất sôcôla cuối cùng lại là bên hưởng lợi nhất!
8. Nhân vật ẩn danh
Trong trò chơi điện tử Nhật Bản Street Fighter II, một nhân vật có lời thoại “nếu bạn không thể đỡ được Cú đấm Rồng bay, bạn không thể chiến thắng!” Khi lời thoại này được dịch từ tiếng Nhật sang tiếng Anh, các ký tự cho cụm từ “rồng bay” đã được hiểu là “Sheng Long”. Các ký tự giống nhau có thể có các cách hiểu khác nhau trong tiếng Nhật, và người biên dịch, khi làm việc với một danh sách các cụm từ mà không hề biết về bối cảnh, đã nghĩ rằng một người chơi mới đã được thêm vào trò chơi. Các game thủ nhốn nháo cố gắng tìm ra ai là Sheng Long và làm thế nào họ có thể đánh bại nhân vật này. Vào năm 1992, như một trò đùa trong ngày Cá tháng Tư, tạp chí Electronic Gaming Monthly đã đăng một bài viết gồm các hướng dẫn chi tiết và rất khó thực hiện nhằm đánh lừa các game thủ đang ráo riết tìm kiếm Sheng Long. Phải mãi cho đến tháng 12 cùng năm, nhân vật ẩn danh này mới được công bố là một trò chơi khăm, sau khi cộng đồng game thủ đã dành vô số thời gian để tìm kiếm mà không chút hoài nghi.
9. Rắc rối tại Waitangi
Năm 1840, chính phủ Anh thực hiện một thỏa thuận với các tù trưởng người Maori ở New Zealand. Người Maori muốn được bảo vệ khỏi những tên tội phạm, thủy thủ và thương lái đang tự do cướp bóc trong những ngôi làng của họ, còn người Anh thì muốn mở rộng phạm vi thuộc địa của mình. Do vậy, Hiệp ước Waitangi đã được soạn thảo và hai bên cùng ký kết. Tuy nhiên, trớ trêu thay, họ đã ký hai tài liệu hoàn toàn khác nhau. Trong bản tiếng Anh, người Maori phải “nhượng lại cho Nữ hoàng Anh một cách tuyệt đối và không bảo lưu tất cả các quyền và quyền hạn của Chủ quyền.” Còn trong bản dịch tiếng Maori, được soạn thảo bởi một nhà truyền giáo người Anh, người Maori sẽ không từ bỏ chủ quyền của mình, mà là sự cai quản. Người Maori đã nghĩ rằng họ sẽ nhận được một hệ thống pháp lý, nhưng vẫn được giữ quyền tự trị. Nhưng kết quả đã không như vậy, và sau bao thế hệ, cho đến ngày nay người ta vẫn còn đang cố giải nghĩa những vấn đề xoay quanh hiệp ước này.
(Từ cộng đồng Internet)