Khám phá cách thức hoạt động của chiến lược kinh doanh xuyên quốc gia và cách chiến lược này giúp các công ty đang phát triển nâng cao hiệu quả và giảm chi phí khi mở rộng kinh doanh ra toàn cầu.
Chiến lược kinh doanh xuyên quốc gia là loại chiến lược mở rộng toàn cầu được các công ty sử dụng để vừa đảm bảo khả năng đáp ứng yêu cầu địa phương cao vừa tăng hiệu suất và tiết kiệm chi phí. Để giúp bạn hiểu rõ hơn về lý do cũng như thời điểm một doanh nghiệp đang phát triển nên áp dụng chiến lược kinh doanh xuyên quốc gia, bài viết này sẽ trình bày những thông tin cơ bản và so sánh chiến lược này với các loại chiến lược mở rộng toàn cầu khác. Chúng tôi cũng sẽ nêu một số ví dụ điển hình về chiến lược kinh doanh xuyên quốc gia và rút ra những kinh nghiệm triển khai.
Định nghĩa chiến lược kinh doanh xuyên quốc gia
Các công ty áp dụng chiến lược kinh doanh xuyên quốc gia điều chỉnh một phần theo thị hiếu địa phương đồng thời nâng cao hiệu quả và cắt giảm chi phí—kết hợp các yếu tố của cả chiến lược toàn cầu và đa địa phương. Nhờ vậy, các công ty xuyên quốc gia có khả năng đáp ứng tốt yêu cầu địa phương và triển khai tiêu chuẩn hóa toàn bộ hoạt động kinh doanh của mình để đạt được lợi thế về quy mô.
Việc thích ứng cao độ với thị trường và nhu cầu của khách hàng cho phép các công ty này biết khi nào lợi nhuận đầu tư từ hoạt động tùy chỉnh đạt mức đủ để khỏa lấp những điểm khác biệt nhỏ. Vì tăng hoạt động tùy chỉnh cũng đồng nghĩa với tăng chi phí và độ phức tạp nên các tổ chức này phải liên tục duy trì sự cân bằng giữa thị hiếu địa phương và tiết kiệm chi phí. Thực hiện tốt chiến lược kinh doanh xuyên quốc gia có thể mang về lợi nhuận khủng.
Chiến lược kinh doanh xuyên quốc gia là một trong 4 chiến lược mở rộng toàn cầu. Ba chiến lược còn lại là chiến lược đa địa phương, chiến lược toàn cầu và chiến lược quốc tế. Mỗi chiến lược đều có những lợi thế và điểm khác biệt riêng vì ưu tiên các cách tiếp cận khác nhau khi vươn ra thị trường quốc tế.
Không thể khẳng định đâu là chiến lược tốt nhất cho mọi doanh nghiệp—các yếu tố như mục tiêu kinh doanh, ngành, quy mô và các yếu tố khác xác định loại chiến lược nào sẽ mang lại lợi ích tối ưu cho một công ty cụ thể. Các tổ chức đang xem xét mở rộng toàn cầu nên cân nhắc kỹ các khả năng và hạn chế của từng chiến lược, đối chiếu với năng lực và tiềm năng của bản thân.
Lợi thế của chiến lược kinh doanh xuyên quốc gia
Chiến lược kinh doanh xuyên quốc gia nhằm mục đích “chắt lọc tinh hoa”, tận dụng được lợi thế về khả năng đáp ứng của chiến lược đa địa phương cùng với lợi thế về chi phí và hiệu suất của chiến lược toàn cầu. Hoạt động tùy chỉnh giúp các tổ chức xuyên quốc gia tiết kiệm được những nguồn lực mà lẽ ra phải đầu tư nếu chọn chiến lược đa địa phương. Đồng thời, các tổ chức này có thể tập trung xây dựng thương hiệu ở thị trường nước ngoài.
Các công ty đa địa phương tạo ra các sản phẩm và dịch vụ riêng biệt cho từng thị trường, trong khi các công ty theo đuổi chiến lược toàn cầu đánh đổi khả năng đáp ứng yêu cầu địa phương để tiết kiệm nhiều chi phí hơn – chiến lược kinh doanh xuyên quốc gia vượt trội so với cả hai cách tiếp cận này, đem lại tính cạnh tranh và hiệu suất cao tại địa phương. Chiến lược kinh doanh xuyên quốc gia thường vẫn có thể nâng cao hiệu suất chuỗi cung ứng song song với việc duy trì khả năng đáp ứng yêu cầu địa phương.
Top 5 ví dụ về các công ty áp dụng chiến lược kinh doanh xuyên quốc gia
Các công ty xuyên quốc gia thường có quy mô từ doanh nghiệp cỡ vừa đến lớn, đã và đang gặt hái được thành công trên toàn cầu trong nhiều ngành và môi trường khác nhau. Các doanh nghiệp muốn áp dụng chiến lược kinh doanh xuyên quốc gia nên chuẩn bị sẵn nguồn tài chính và định hướng quản lý chiến lược cần thiết để thâm nhập thị trường toàn cầu.
Một số ví dụ điển hình nhất về chiến lược kinh doanh xuyên quốc gia là các công ty nổi tiếng như Walmart, Google, Unilever, KFC và Costco.
#1. Walmart
Trong quá trình cạnh tranh trên toàn cầu thông qua cắt giảm chi phí, Walmart giữ mức giá thấp cho khách hàng ở mọi thị trường và tận dụng hiệu suất của chuỗi cung ứng. Đồng thời, khách hàng của Walmart có thể tìm được các sản phẩm và tùy chỉnh ở cấp độ cửa hàng theo thị hiếu địa phương dựa trên phân tích phạm vi rộng và nhận thông tin cập nhật liên tục về các sản phẩm được kinh doanh tại địa phương.
Mặc dù Walmart vận hành các thương hiệu cửa hàng khác nhau tại các quốc gia khác nhau, nhưng nhiều cửa hàng trong số đó được công ty mua lại với tư cách là một tổ chức toàn cầu có thể tận dụng sức mua mạnh và chuỗi cung ứng quốc tế.
#2. Google
Bằng cách điều chỉnh theo tại địa phương để cải thiện khả năng đáp ứng và sử dụng các văn phòng địa phương để phục vụ các thị trường ngách ở nước ngoài, Google thể hiện chiến lược kinh doanh xuyên quốc gia. Google nổi tiếng là luôn ưu tiên hiệu suất. Các thị trường mới nổi nhận được khoản đầu tư lớn và tập trung từ công ty, giúp khách hàng dễ dàng nhận được chất lượng mong muốn.
#3. Unilever
Công ty sản xuất hàng tiêu dùng Unilever giao cho các công ty con độc lập, tự cung tự cấp và sản xuất bản địa hóa trên khắp thế giới cung cấp những hàng hóa theo yêu cầu cho thị trường địa phương. Các công ty địa phương, gồm khoảng 500 đơn vị khác nhau, có thể định hướng chiến lược của riêng mình ở quy mô lớn và quản lý hoạt động phù hợp với nhu cầu địa phương.
Mặc dù Unilever cũng rất coi trọng vấn đề chi phí, nhưng các sản phẩm tiêu dùng như Trà Lipton phải có chất lượng cao và dễ tiếp cận, thúc đẩy hành vi mua hàng và sự gắn kết với thương hiệu của khách hàng.
#4. KFC
Là một đơn vị tiêu thụ thịt gà lớn, thương hiệu thức ăn nhanh KFC đã tiết kiệm đáng kể chi phí chuỗi cung ứng—nhưng đồng thời các nhà hàng KFC cũng phục vụ thực đơn địa phương tăng mức đáp ứng thị hiếu khách hàng. Mặc dù nổi tiếng với món gà rán và các món ăn mang phong cách miền Nam nước Mỹ như khoai tây nghiền, ngô và khoai tây chiên nhưng các cơ sở KFC trên khắp thế giới vẫn phục vụ các công thức nấu ăn phù hợp với khẩu vị địa phương. Ví dụ: khách hàng Thái Lan có thể đặt món gà cà ri xanh tại KFC còn tại Indonesia, khách hàng có thể mua được cơm hộp bento.
#5. Costco
Bản địa hóa là điều cần thiết đối với gã khổng lồ ngành bán lẻ toàn cầu Costco, tương tự như như việc tăng doanh số bán hàng thông qua cắt giảm chi phí. Chiến lược kinh doanh xuyên quốc gia mang lại cho Costco sự cân bằng hoàn hảo và thể hiện cách tiếp cận thông minh để tiếp tục phát triển thành một thương hiệu toàn cầu.
Ở mỗi quốc gia, Costco cung cấp các sản phẩm khác nhau phản ánh khẩu vị và thị hiếu địa phương. Quầy ẩm thực của Costco có thực đơn riêng – với các món như poutine bán tại Canada và pizza hải sản bán tại các cửa hàng Đài Loan.