Mục lục

Những lưu ý khi dịch tài liệu chuyên ngành FMCG

Giới thiệu

Dịch thuật trong lĩnh vực FMCG (Fast-Moving Consumer Goods – Hàng tiêu dùng nhanh) không đơn giản chỉ là chuyển đổi từ ngữ giữa hai ngôn ngữ, mà còn đòi hỏi sự chính xác, nhất quán và phù hợp với ngữ cảnh kinh doanh. Qua quá trình rà soát và chỉnh sửa một bản dịch tài liệu chuyên ngành FMCG, có nhiều điểm quan trọng cần lưu ý để nâng cao chất lượng dịch thuật. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu những nguyên tắc quan trọng giúp bản dịch không chỉ đúng mà còn trôi chảy, dễ hiểu và sát với chuyên ngành.

50231 Iso 17100 Yeu Cau Ve Trinh Do Cua Dich Thuat Vien 1 768X320 1 Những Lưu Ý Khi Dịch Tài Liệu Chuyên Ngành Fmcg
Tham khảo thêm: Tìm hiểu 6 bước cơ bản trong dịch thuật tuân thủ ISO 17100:2015

Những điểm quan trọng trong dịch thuật tài liệu FMCG

1. Độ chính xác và nhất quán trong việc dịch thuật ngữ chuyên ngành

Một trong những lỗi phổ biến khi dịch tài liệu FMCG là sử dụng thuật ngữ không chính xác hoặc không phù hợp với bối cảnh. Ví dụ, một thuật ngữ có thể có nhiều nghĩa khác nhau tùy thuộc vào ngành hàng, thị trường hay đối tượng sử dụng. Khi dịch tài liệu dài, dễ xảy ra tình trạng một thuật ngữ được dịch theo nhiều cách khác nhau, gây nhầm lẫn cho người đọc.

Cách khắc phục:

  • Tra cứu thuật ngữ trong các tài liệu chính thống của ngành (báo cáo thị trường, trang web của các công ty FMCG lớn, tài liệu nội bộ…)
  • Sử dụng từ điển chuyên ngành hoặc tham khảo các tài liệu dịch trước đó để đảm bảo tính nhất quán
  • Lập bảng thuật ngữ và tuân thủ trong toàn bộ tài liệu
  • Nếu có nhiều người tham gia dịch cùng một tài liệu, cần thống nhất thuật ngữ trước khi bắt đầu

Ví dụ bảng thuật ngữ

Global Trade Identification Number: Mã số Toàn cầu Phân định Thương phẩm

packaging waste: chất thải bao bì

nutrition labelling: ghi nhãn dinh dưỡng

traceability: truy xuất nguồn gốc

non-communicable disease: bệnh không lây nhiễm

2. Xử lý cấu trúc câu phức tạp

Tài liệu FMCG thường có nhiều câu dài, chứa nhiều thông tin về chiến lược, số liệu hoặc phân tích xu hướng thị trường. Khi dịch, nếu bám sát từng từ mà không điều chỉnh cấu trúc, câu văn dễ trở nên rối rắm và khó hiểu.

Cách khắc phục:

  • Tách câu dài thành các câu ngắn hơn, đảm bảo sự rõ ràng
  • Điều chỉnh trật tự từ để phù hợp với cách diễn đạt trong tiếng Việt
  • Đảm bảo câu văn mạch lạc, tránh dịch quá sát nghĩa nhưng mất đi sự tự nhiên

Ví dụ:

  • Bản gốc: Tampered or removed lot codes make it difficult to trace a product’s origin or conduct targeted recalls when necessary, whether due to health and safety concerns, incorrect labelling, or other issues.
  • Bản dịch thô: Mã lô bị can thiệp hoặc gỡ bỏ khiến cho việc truy xuất nguồn gốc hoặc tiến hành thu hồi sản phẩm có chọn lọc khi cần thiết trở nên khó khăn, dù là do các mối lo ngại về sức khỏe và an toàn, nhãn mác không chính xác, hay các vấn đề khác.
  • Gợi ý cách chỉnh sửa: Mã lô hàng bị giả mạo hoặc loại bỏ gây khó khăn cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm hoặc thực hiện thu hồi có mục tiêu khi cần thiết do lo ngại về sức khỏe và an toàn, ghi nhãn sai hoặc các vấn đề khác.

3. Sử dụng văn phong trang trọng

Trong nhiều tài liệu FMCG, đặc biệt là báo cáo thị trường, hợp đồng hoặc các tài liệu liên quan đến chiến lược kinh doanh, văn phong cần phải trang trọng và chuyên nghiệp để thể hiện sự tin cậy và uy tín. Cần tránh sử dụng những từ như “gì”, “nó”, “chúng” trong bản dịch để đảm bảo tính trang trọng của văn bản.

Ví dụ:

  • Bản gốc: Consumers can access comprehensive information about products in various languages, beyond details that could ever fit a package.
  • Bản dịch thô: Người tiêu dùng có thể truy cập thông tin toàn diện về sản phẩm bằng nhiều ngôn ngữ, vượt xa những gì có thể in trên bao bì.
  • Gợi ý cách chỉnh sửa: Người tiêu dùng có thể truy cập thông tin toàn diện về sản phẩm bằng nhiều ngôn ngữ, vượt qua những hạn chế về không gian hiển thị trên bao bì.

4. Giữ nguyên nội dung tiêu đề và thêm phần tạm dịch

Trong quá trình dịch thuật, các tiêu đề chính của báo cáo hoặc tài liệu chuyên ngành FMCG thường cần được giữ nguyên bằng tiếng Anh kèm theo phần dịch tạm để đảm bảo người đọc hiểu rõ nội dung mà không làm mất đi tính nhận diện quốc tế. Bản tạm dịch có thể được đưa vào ngoặc và in nghiêng để thể hiện nghĩa của tiêu đề gốc.

Ví dụ:

  • Bản gốc: In 2023, EU-ABC released a paper “Battling Obesity in ASEAN”
  • Bản dịch: Năm 2023, EU-ABC đã phát hành ấn phẩm “Battling Obesity in ASEAN” (“Cuộc chiến chống béo phì tại ASEAN”)

Tổng kết

Dịch tài liệu FMCG đòi hỏi sự kết hợp giữa hiểu biết chuyên ngành, kỹ năng ngôn ngữ và sự cẩn trọng trong từng chi tiết. Một bản dịch chất lượng không chỉ cần chính xác về mặt thuật ngữ, mà còn phải trôi chảy, nhất quán và phù hợp với đối tượng độc giả. Bằng cách chú ý đến việc tra cứu thuật ngữ, xử lý cấu trúc câu hợp lý, duy trì sự nhất quán, sử dụng văn phong trang trọng khi cần thiết và đảm bảo tiêu đề được giữ nguyên với phần tạm dịch, người dịch có thể nâng cao chất lượng bản dịch và đảm bảo tài liệu dễ hiểu, hiệu quả hơn.

Hy vọng những lưu ý trên sẽ giúp ích cho bạn trong quá trình dịch thuật tài liệu FMCG, cũng như các tài liệu chuyên ngành khác!

Chia sẻ bài viết này:

Picture of Trang Tran Quynh

Trang Tran Quynh

Bình luận của bạn

Những lưu ý khi dịch tài liệu chuyên ngành FMCG