Viết để dịch: 8 mẹo viết bài giúp nâng cao chất lượng nội dung

Viết để dịch: 8 mẹo viết bài giúp nâng cao chất lượng nội dung

27482-viet-de-dich-8-meo-viet-bai-giup-nang-cao-chat-luong-noi-dung-2

Trong quá trình hành nghề dịch thuật chắc chắn bạn cũng gặp những trường hợp có những câu rất khó dịch hoặc khó diễn đạt sang ngôn ngữ khác. Có rất nhiều lý do dẫn tới sự khó dịch này. Ví dụ như nội dung của bản gốc có hàm lượng kỹ thuật cao, là một bài viết hàn lâm hoặc đơn giản. Một ví dụ khác là người viết không tuân thủ những câu trúc câu truyền thống dẫn đến nội dung được hiểu thành nhiều nghĩa khác nhau. 

Văn bản nguồn là nền tảng để dịch nội dung sang các ngôn ngữ khác. Số lượng ngôn ngữ đích càng nhiều, ảnh hưởng của văn bản nguồn càng lớn. Do đó, trước khi đặt bút, hãy dự tính kỹ và đảm bảo bạn viết chuẩn ngay từ lần đầu tiên.

Trong các dự án bản địa hóa, khách hàng thường quan tâm đến phạm vi, ngôn ngữ, công nghệ, mục tiêu và nhiều khía cạnh khác. Thế nhưng, họ lại thường bỏ quên một tiêu chí vô cùng quan trọng: chất lượng văn bản nguồn. Rốt cuộc nội dung của bạn có được xây dựng tốt hay không, và ở mức độ nào?

Trong bài viết này chúng tôi sẽ chia sẻ thêm về việc tạo ra một nội dung dễ hiểu, dễ dịch. Bài viết có thể sẽ giúp ích các bạn khi tiếp cận với các bản dịch khó hoặc ngay khi bạn được giao nhiệm vụ viết một nội dung mới.

8 mẹo cần nhớ khi “viết để dịch”:

27482-viet-de-dich-8-meo-viet-bai-giup-nang-cao-chat-luong-noi-dung-1

1. Ưu tiên sử dụng câu câu ngắn khi viết bài.

Để văn bản dễ hiểu và dễ dịch hơn, đừng viết quá 20 chữ/câu. Hãy liên tục tự hỏi, đâu mới là yếu tố quan trọng nhất? Làm thế nào để đơn giản hóa thông điệp muốn truyền tải? Đọc to những câu đã viết sẽ giúp bạn kiểm soát tốt hơn độ dài và độ phức tạp của câu.

2. Sử dụng cấu trúc câu tiếng Việt chuẩn

Một câu đầy đủ trong tiếng Việt bao gồm chủ ngữ – vị ngữ cùng các thành phần bổ trợ liên quan như định ngữ, bổ ngữ, v.v. Hãy đảm bảo câu bạn viết sử dụng đúng ngữ pháp và dấu câu.

Sai sót trong bản gốc có thể tiếp tục tồn tại trong bản dịch. Người dịch tuy có thể phát hiện và ghi lại những sai sót này, nhưng việc đó không thay thế được hoạt động đọc soát bản gốc để kiểm tra lỗi chính tả và ngữ pháp.

3. Tránh sử dụng cụm danh từ dài

Việc lược bỏ từ nối buộc người đọc phải phỏng đoán mối quan hệ giữa các từ. Nếu phải đọc nhiều lần bạn mới hiểu được ý nghĩa của một câu, khả năng cao tình hình sẽ còn phức tạp hơn nữa khi câu được dịch sang nhiều ngôn ngữ khác. Khi gặp tình huống này, chúng ta thường thấy câu bị hiểu sai nghĩa gốc, hoặc văn bản áp dụng quá cứng nhắc cách dịch bám từ.

4. Dùng một thuật ngữ để diễn tả một khái niệm

Từ đồng nghĩa làm giảm sự khúc chiết. Một khái niệm nên được diễn đạt theo một cách duy nhất xuyên suốt toàn văn bản. Tìm kiếm nhiều cách diễn đạt khác nhau cho cùng một khái niệm không chỉ ảnh hưởng đến tính thống nhất của bản dịch, mà còn giảm tính ứng dụng của bộ nhớ dịch liên quan. Điều này có thể làm giảm chất lượng, tăng chi phí và thời gian xử lý.

Cơ chế hoạt động của bộ nhớ dịch liên quan đến các từ trong một dòng (segment), do đó chỉ một thay đổi nhỏ cũng có thể tạo ra ảnh hưởng lớn. Hãy luôn cân nhắc “tái sử dụng” những nội dung đã dịch, đừng làm lại từ đầu nếu không cần thiết.

5. Tránh sử dụng yếu tố văn hóa

Yếu tố văn hóa gồm tiếng lóng, tiếng địa phương, phép ẩn dụ, chơi chữ, chuyện đùa, v.v. Đây là những bộ phận ngôn ngữ hiếm khi có cách dịch tương đương. Nếu không am hiểu văn hóa nguồn, người dịch có thể không hiểu hoặc dễ dàng hiểu sai thông điệp của người viết. Không phải ai cũng sẽ hiểu và cảm thấy thích thú trước những cách diễn đạt đặc biệt này, chính vì vậy việc dịch và truyền tải trọn vẹn yếu tố văn hóa sang ngôn ngữ đích chưa hẳn đã là cần thiết.

Nếu sự hài hước là một phần quan trọng trong thông điệp mà thương hiệu của bạn muốn truyền tải, hãy “dịch sáng tạo”, thay vì chỉ dịch đơn thuần. Dịch sáng tạo là hoạt động dịch thuật nhằm truyền tải chính xác thông điệp cốt lõi bằng một ngôn ngữ khác, giúp tạo ra hiệu quả và ấn tượng tương đương bằng văn phong và âm điệu tương tự như văn bản nguồn, hướng tới nhóm đối tượng đích cụ thể tại thị trường cụ thể.

6. Cẩn thận với các con số

Một bài viết, dù ít hay nhiều, chắc chắn sẽ có sự xuất hiện của những con số. Đó là có thể là số lượng, số đo, số nguyên, số thập phân, phân số, thời gian, số điện thoại, số tiền, v.v.

Giữa các ngôn ngữ và ngay chính trong cùng một ngôn ngữ, tồn tại nhiều cách biểu diễn số khác nhau. Chẳng hạn như với ngày tháng, bạn có thể viết đầy đủ: ngày 01 tháng 08 năm 2020, hoặc rút gọn thành một trong hai dạng: 01/08/2020 hoặc 08/01/2020. Thế nhưng, nếu chỉ nhìn vào dạng rút gọn, bạn có chắc người đọc sẽ không hiểu nhầm?

Để hạn chế tối đa những nhầm lẫn không đáng có, hãy thống nhất cách biểu diễn số trước khi bắt tay vào việc. Bạn có thể tham khảo Nghị định 30/2020/NĐ-CP về công tác văn thư, hoặc tự chọn cho mình một cách thức riêng phù hợp. Ngoài ra, tính thống nhất không chỉ giới hạn trong nội dung bài viết, mà cần bao gồm toàn bộ những thông tin khác được hiển thị trên giao diện. Như vậy, người đọc sẽ có cơ sở để xác định đâu mới là cách hiểu đúng.

7. Ưu tiên dùng câu chủ động

Câu chủ động truyền tải nội dung rõ ràng, dễ hiểu hơn, giúp hoạt động dịch diễn ra suôn sẻ hơn. Các từ “bị”, “được” hoặc “bởi” là dấu hiệu nhận biết câu bị động.

Ví dụ:   Phần mềm này được cập nhật bởi người dùng là câu bị động.

            Người dùng cập nhật phần mềm này là câu chủ động.

8. Dự kiến khoảng trắng cần thiết

Tuy cùng biểu đạt một nội dung, nhưng độ dài văn bản trong các ngôn ngữ sẽ có sự khác biệt. Đơn cử, văn bản tiếng Việt thường dài hơn khoảng 30% so với bản dịch tiếng Anh tương ứng. Nghĩa là, khi soạn thảo văn bản gốc, bạn cần dự đoán và ước lượng trước “không gian” cần thiết cho bản dịch. Điều này đặc biệt quan trọng với đồ họa và giao diện phần mềm.

Khác biệt không chỉ nằm ở độ dài câu, mà trong cả độ dài của một từ/chữ riêng lẻ. Trong một số ngôn ngữ, tồn tại những từ ghép “cồng kềnh” với độ dài lên đến 40 ký tự. Đây vừa là “đặc sản”, vừa là thách thức không hề nhỏ với người dịch.

Ví dụ: Tiếng Đức có từ Rechtsschutzversicherungsgesellschaften (Công ty bảo hiểm cung cấp dịch vụ bảo vệ pháp lý). Sách Kỷ lục thế giới Guinness ghi nhận đây là từ tiếng Đức dài nhất được sử dụng trong giao tiếp hàng ngày. Sẽ thế nào nếu từ này xuất hiện trong bản dịch và không nằm vừa khoảng trống đã định? Còn những khoảng trắng được cố tình bỏ trống khi soạn thảo hợp đồng? Ước lượng trước yếu tố này sẽ giúp bạn tiết kiệm không ít tiền của và tránh được kha khá những cơn đau đầu.

Vai trò của trao đổi thông tin và công tác chuẩn bị

Giao lưu giữa các nền văn hóa đòi hỏi nhiều nỗ lực nghiên cứu, tìm tòi và thực hành. Tuy nhiên, tất cả đều bắt đầu từ việc xây dựng nội dung hướng tới độc giả quốc tế và đảm bảo văn bản nguồn có thể được chuyển ngữ dễ dàng. Khi công đoạn chuẩn bị đã hoàn tất, người dịch có thể tập trung toàn lực vào việc dịch và trau chuốt nội dung sao cho phù hợp với các đối tượng độc giả khác nhau.

Khi vươn ra thế giới, mục tiêu chung của doanh nghiệp là duy trì tiếng nói thương hiệu độc đáo, đồng thời mang lại bản dịch chuẩn xác bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Việc hợp tác với công ty dịch thuật và cung cấp cho họ những nguồn lực, chỉ dẫn dịch và tài liệu tham khảo cần thiết càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Trao đổi với công ty dịch thuật càng nhiều, chất lượng dịch và cơ hội thành công của bạn càng lớn.

Tham khảo bài viết: 

Viết để dịch: 8 mẹo viết bài giúp nâng cao chất lượng nội dung

Thao TU

Thao TU

Associate Translator

More articles

84222_Xu hướng L&D

Top 7 Xu hướng Học tập và Phát triển trong Năm 2024

L&D đóng vai trò quan trọn trong đào tạo, thu hút và giữ chân nhân tài. Trong bối cảnh ngày càng xuất hiện nhiều xu hướng Học tập và Phát triển mới, nhiệm vụ này càng trở nên quan trọng hơn trong bối cảnh lực lượng lao động toàn cầu hiện đại, với việc các tổ chức cạnh gay gắt nhằm tuyển dụng được nhân sự chất lượng cho các phòng ban và vị trí, chưa kể đến sự cần thiết phải liên tục nâng cao trình độ kiến thức để bắt kịp với nhu cầu kinh doanh.