Trong tuần vừa qua AM VIỆT NAM đã tổ chức một buổi trao đổi về nghiệp vụ Biên dịch với các bạn sinh viên năm 4 khóa Biên dịch trường ĐH Ngoại ngữ – ĐHQGHN. Đa số những câu hỏi đưa ra đều rất thiết thực và đều là những vấn đề mang tính “thời sự” trong ngành.
Một số vấn đề nổi cộm được đúc kết trong chuỗi bài viết này. Trong kỳ 1, chúng ta sẽ bàn về vấn đề tra cứu thuật ngữ và các cách xử lý hiệu quả.
Vấn đề 1 – Cách xử lý thuật ngữ khó tra cứu:
Thuật ngữ khó tra cứu là hiện tượng thường gặp, nhất là những thuật ngữ mang tính chuyên môn hoặc viết tắt. Có nhiều bạn cần đến nhiều giờ tìm kiếm, nghiên cứu, thậm chí là đi hỏi những người được cho là có kinh nghiệm hơn nhưng đều không tìm được đáp án ứng ý.
Vậy bài toán giải cần giải quyết ở đây là thời gian và cách dịch thuật ngữ đó như thế nào? Tất cả đều có phương pháp.
#1. Block thuật ngữ để tìm kiếm thêm cơ hội
Đầu tiên, chúng ta cần xác định đây là vấn đề thường gặp khi dịch tài liệu. Một cách xử lý thông thường là chúng ta tạm thời block hay mark-up thuật ngữ đó lại và tiếp tục dịch phần còn lại của tài liệu. Đây là một mẹo tuy nhỏ nhưng rất hữu ích.
Nếu cứ cố gắng dịch thuật ngữ đó thì việc bạn phải đánh đổi bằng thời gian và tiến độ dự án mà đôi khi lại không thu được kết quả gì. Ngược lại, khi dịch tiếp sang các nội dung khác, rất có thể bạn sẽ hiểu thêm được ngữ cảnh hoặc có thêm manh mối để tra cứu thuật ngữ khó.
#2. Tra cứu thuật ngữ trong bản gốc
Tài liệu gốc có thể chứa những cụm song ngữ có sẵn mà bạn có thể tận dụng trực tiếp thay vì tốn công tra cứu bên ngoài. Tài liệu gốc cũng sẽ cung cấp thêm nhiều ngữ cảnh cho phép bạn suy luận được nghĩa của thuật ngữ cần tra. Tài liệu gốc cũng là thứ bạn đang có sẵn trong tay, vì vậy, đây là nguồn đầu tiên cần tham khảo.#3. Tra cứu thuật ngữ từ nguồn song ngữ
Trên internet ngày nay tràn ngập nội dung số, trong đó có rất nhiều nội dung chia sẻ kiến thức chất lượng và giá trị. Đây sẽ là những nội dung mà chúng ta hướng tới để tham khảo. Biết đâu thuật ngữ chúng ta đang tra mãi không ra cách dịch lại đã được đăng lên ở đâu đó bởi một chuyên gia nào đó.
Để tra cứu từ các nguồn song ngữ này, bạn chỉ cần sử dụng thêm một cụm từ tìm kiếm ở ngôn ngữ đích, theo sau thuật ngữ cần tra cứu. Ví dụ, để tra cụm “rolling bearing”, chúng ta sử dụng từ khóa “rolling bearing là gì”, hoặc ”rolling bearing kỹ thuật”, “rolling bearing vòng bi”…
#4. Tra cứu thuật ngữ bằng cách tìm kiếm cụm từ dài hơn
Khi gặp một thuật ngữ khó, chúng ta thường có xu hướng chỉ tách riêng thuật ngữ đó ra để làm từ khóa tra cứu thuật ngữ trên mạng. Điều này sẽ giúp các công cụ tìm kiếm xác định phạm vi tìm kiếm của bạn. Tuy nhiên, một trường hợp có thể xảy ra là bạn tách thiếu từ. Khi đó, bạn sẽ không thể tra cứu được nghĩa chuẩn xác.
Thế nào gọi là tách thiếu từ? Ví dụ, trong tài liệu xuất hiện cụm “look through approach”. Đa phần chúng ta sẽ coi “approach” (phương pháp, cách tiếp cận) – là một từ thông thường, do đó, chúng ta sẽ chỉ tìm kiếm nghĩa của cụm “look through”.
Nếu đang mở sẵn máy tính, bạn có thể thử. Tôi cá là bạn sẽ không thể tra ra được gì nếu chỉ tìm kiếm cụm “look through”. Bây giờ, bạn hãy tra toàn bộ cụm “look through approach” – bạn sẽ thu được kết quả lớn.
Như vậy, trong một số trường hợp, chúng ta có thể xác định sai cụm từ cần tra cứu, kết quả là dẫn đến bế tắc. Để tránh điều này, ban đầu chúng ta có thể tra cứu cả câu có chứa thuật ngữ khó. Sau đó thu hẹp dần để có được phạm vi tra cứu chính xác.
Kết luận
Cuối cùng, đừng quên lập bảng thuật ngữ để có thể gửi chuyên gia tham vấn hoặc nhờ chính khách hàng xem lại. Bảng thuật ngữ sẽ giúp bạn kiểm soát các phương án dịch mà mình đã đưa ra cho những thuật ngữ quan trọng và cũng là cơ sở để thống nhất cách dịch. Bảng thuật ngữ còn giúp bạn tiết kiệm công sức tra cứu cho những dự án sau này.
Đối với các dự án dịch cao cấp tại AM Việt Nam, bảng thuật ngữ là một yêu cầu bắt buộc. Vì vậy, sẽ rất tốt khi bạn thực hành thói quen lập và duy trì bảng thuật ngữ cho mỗi dự án dịch ngay từ bây giờ.