Giải mã 6 lầm tưởng về vắc-xin COVID-19 cùng các chuyên gia

Giai-ma-6-lam-tuong-ve-vac-xin-Covid-19-cung-cac-chuyen-gia

Trên thế giới, kể từ khi các chiến dịch tiêm vắc-xin COVID-19 được triển khai, số ca mắc mới đã liên tục giảm, tuy vậy không ít người vẫn do dự về việc có nên tiêm vắc-xin hay không. Sở dĩ như vậy là do có nhiều lầm tưởng đang được lan truyền tràn lan trên các mạng xã hội. Bài viết này sẽ tổng hợp 6 lầm tưởng phổ biến nhất và các giải thích của chuyên gia để bạn đọc tham khảo.

Lầm tưởng #1: Vắc-xin COVID-19 gây vô sinh

Đây là tin đồn khiến các bác sĩ chuyên khoa bệnh truyền nhiễm đặc biệt quan ngại. Bác sĩ Adalja, Mỹ khẳng định đây hoàn toàn là thông tin bịa đặt vô căn cứ.
Để làm sáng tỏ vấn đề này, chúng ta cần nhìn lại cơ chế hoạt động của vắc-xin.

  • Vắc-xin của Johnson & Johnson có cơ chế hoạt động giống với vắc-xin truyền thống. Loại vắc-xin này sử dụng vi-rút adeno, loại vi-rút thường gây bệnh cảm lạnh, được biến đổi để mang protein gai của SARS-CoV-2 (protein gai là protein bề mặt quan trọng nhất mà vi-rút sử dụng để gắn vào thụ thể trên bề mặt tế bào vật chủ và thâm nhập). Vi-rút adeno này không thể sao chép trong cơ thể người do đó sẽ không gây bệnh. Khi tiêm vắc-xin, vi-rút đã được biến đổi sẽ bị lôi vào trong các tế bào của cơ thể, từ đó nó di chuyển đến nhân tế nào. Tại đó, vi-rút adeno để lại ADN trên nhân, tế bào đọc được gen protein gai và thông tin về gen đó được sao chép tới mARN. Các tế bào sẽ bắt đầu sản sinh protein gai. Một khi các protein gai được nhận biết bởi hệ miễn dịch, cơ thể sẽ sản sinh kháng thể.
  • Vắc-xin của Pfizer-BioNTech và Moderna sử dụng công nghệ mới hơn có tên là mARN (ARN thông tin). Các vắc-xin mARN này sử dụng các mảnh protein gai từ vi-rút đã được mã hóa để kích thích đáp ứng miễn dịch của cơ thể giúp sản sinh kháng thể. Protein gai đó và mARN sẽ được cơ thể đào thải theo thời gian, nhưng kháng thể thì sẽ vẫn tồn tại.

Lầm tưởng trên dường như xuất phát từ một thông tin sai sự thật rằng vắc-xin có chứa protein gai có tên là syncytin-1, gắn liền với chức năng của nhau thai, là cơ quan cung cấp dinh dưỡng cho bào thai trong suốt thai kỳ. Nhưng thông tin này hoàn toàn sai sự thật. Vì protein gai của SARS-CoV-2 không giống syncytin-1 và cũng không có bằng chứng nào chỉ ra rằng việc chặn syncytin-1 có thể gây vô sinh.
Để bác bỏ lầm tưởng này, Đại học phụ sản Hoa Kỳ đã đưa ra một tuyên bố rằng, “theo cơ chế hoạt động và hồ sơ an toàn của vắc-xin trên những đối tượng nữ không mang thai, vắc-xin mARN COVID-19 như của Pfizer-BioNTech và Moderna không làm tăng nguy cơ vô sinh, và vi-rút trong vắc-xin Johnson & Johnson không có khả năng sao chép trong tế bào nên không thể gây bệnh hay làm thay đổi ADN của người tiêm vắc-xin, và cũng không phải nguyên nhân gây vô sinh.”

Lầm tưởng #2: Nếu bạn đã từng mắc COVID-19 thì không cần tiêm vắc-xin

CDC của Mỹ khuyến cáo rằng bạn vẫn nên tiêm vắc-xin ngay cả khi bạn đã từng mắc COVID-19. Bởi vì không ai biết bạn có thể được bảo vệ khỏi vi-rút trong vòng bao lâu kể từ khi điều trị khỏi. Hơn nữa, vắc-xin giúp kích thích đáp ứng miễn dịch tốt hơn so với bản thân vi-rút, cho nên việc tiêm vắc-xin sẽ giúp bạn được bảo vệ tốt hơn. Không những thế, vắc-xin còn giúp bảo vệ khỏi các biến thể của vi-rút.

Lầm tưởng #3: Không cần đeo khẩu trang sau khi tiêm vắc-xin COVID-19

Lầm tưởng này một phần dựa trên một phần sự thật. Do mới đây CDC đã ban hành hướng dẫn cho những người đã tiêm vắc-xin đầy đủ, rằng những người đã tiêm đủ hai mũi vắc-xin Moderna/Pfizer hoặc 1 mũi vắc-xin Johnson & Johnson, sau thời gian chờ vắc-xin phát huy tác dụng, có thể không cần đeo khẩu trang trong các trường hợp:

  • Ở trong nhà cùng với những người đã được tiêm vắc-xin đầy đủ.
  • Ở trong nhà cùng với những người chưa được tiêm vắc-xin của một gia đình khác, với điều kiện những người đó được xem là ít có nguy cơ gặp phải biến chứng nặng do COVID-19.

Tuy nhiên CDC cũng nhấn mạnh rằng khi ở nơi công cộng hoặc tụ tập với người chưa được tiêm chủng của nhiều hơn 1 gia đình khác. Tại vì ở thời điểm này chưa xác định hiệu quả của vắc-xin trước các biến thể của vi-rút cũng như việc liệu bạn có thể truyền vi-rút cho người khác sau khi tiêm chủng hay không.

Lầm tưởng #4: Vắc-xin COVID-19 sẽ đưa vi-rút vào cơ thể bạn hoặc khiến bạn bị xét nghiệm dương tính với vi-rút

Sự thật là không thể. Không có bất kỳ loại vắc-xin COVID-19 nào có thể khiến một người mắc COVID-19. Do vắc-xin chỉ chứa đoạn mã để khiến cơ thể sản sinh ra protein gai của SARS-CoV-2 hoặc chứa một vi-rút đã được biến đổi mang đoạn mã của protein gai – không có vắc-xin nào chứa vi-rút SARS-CoV-2.

Lầm tưởng #5: Vắc-xin được vội vã đưa ra thị trường, nên không thể tin tưởng về tính an toàn

Tuy vắc-xin COVID-19 là vắc-xin được nghiên cứu, phát triển và đưa vào sử dụng nhanh nhất từ trước tới nay, nhưng cũng đã trải qua các quy trình nghiêm ngặt, và mọi thứ đều đạt yêu cầu.
Tất cả các vắc-xin COVID-19 được cấp phép tại Mỹ đều trải qua quá trình phát triển nghiêm ngặt của Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA), bao gồm nghiên cứu và phát triển, thử nghiệm tiền lâm sàng, 3 giai đoạn của thử nghiệm lâm sàng và được FDA cấp phép.
Ngoài ra cũng cần lưu ý rằng công nghệ mARN đã được ứng dụng cả thập kỷ vừa qua và đã được nghiên cứu với vi-rút cúm, Zika, vi-rút gây bệnh dại và vi-rút CMV trước đây. Chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng về tính an toàn của vắc-xin.

Lầm tưởng #6: Vắc-xin COVID-19 sẽ thay đổi ADN của bạn

Bác sĩ Adalja cho biết, đây cũng chỉ là một nhận định vô căn cứ. Để có thể thay đổi được ADN, thì phải xâm nhập qua lớp màng nhân của tế bào. Trong khi đó, vắc-xin COVID-19 còn không đến gần ADN ở cấp độ tế bào, cho nên điều này hoàn toàn không khả thi về mặt sinh học.

Tài liệu tham khảo:

Chia sẻ bài viết này:

Picture of Melisa Tran

Melisa Tran

Chuyên gia Ngôn ngữ

Bình luận của bạn

Giải mã 6 lầm tưởng về vắc-xin COVID-19 cùng các chuyên gia